Lượt xem: 403
Long Phú nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP còn đó những khó khăn và thách thức.
13/07/2021
Bên cạnh những lợi ích và lợi thế, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn và thách thức hiện tại và tương lai đến từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Long Phú là huyện có nhiều lợi thế về nông nghiệp. Trong suốt những năm qua, mặc dù cơ cấu kinh tế có nhiều sự chuyển dịch, nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của huyện. Tuy nhiên, phần lớn người nông dân hiện nay vẫn sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, dựa trên kinh nghiệm tự đúc kết và tìm hiểu qua một số phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, còn rất nhiều người nông dân đang có tâm lý e dè, ngại áp dụng các hình thức sản xuất mới như GAP. Theo ông Lê Thành Thái, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, những năm gần đây, số lượng hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Hiện nay, toàn huyện có 5 – 6 hợp tác xã tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều hợp tác xã liên kết với các chợ đầu mối, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực trình độ cán bộ quản lý trong khu vực hợp tác xã còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.
Chú thích ảnh: Nông dân trồng bưởi theo chuẩn VietGAP.
Thực tế, người nông dân Long Phú khá nhạy bén và chịu khó học hỏi trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, họ có những quan điểm khác so với xu hướng chung. Người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đều ưa chuộng các loại nông sản được trồng theo quy trình rõ ràng, cụ thể, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Trong khi đó, đa số người nông dân lại xem những thức ăn có nguồn gốc tự nhiên như: rau, cá đồng, thịt rừng … là ngon, là bổ dưỡng, điều này đã phần nào làm hạn chế sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân.
Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP còn yêu cầu người nông dân phải thực hiện một số thao tác, trong đó có việc ghi chép nhật ký sản xuất. Tuy nhiên, với người nông dân vốn quen cầm nông cụ hơn là cầm viết, những thao tác này khá rườm rà, khó thực hiện. Thêm vào đó, tâm lý hay quên khiến việc duy trì thực hiện đúng các tiêu chuẩn là điều không dễ dàng.
Tin, ảnh: Sóc Ca.